Não phải phát triển trước, thế nên việc chơi là nền tảng cho học tập

Tác giả: Vince Gowmon. Người dịch: Thái Nguyễn Hồng Nhung


Bạn có biết rằng não phải phát triển trước? Đúng là như thế ở giai đoạn trước khi trẻ được 3-4 tuổi. Ngược lại, não trái chưa hoàn toàn phát triển cho đến khi trẻ được tầm 7 tuổi; do đó bảy năm đầu đời được xem là thời kỳ quan trọng trong sự phát triển của trẻ.


“Logic sẽ giúp bạn đi từ A đến B. Trí tưởng tượng đưa bạn đi khắp nơi.” – Albert Einstein


Chức năng của não trái là ngôn ngữ, toán số học, đọc viết, phân tích và thời gian. Phần này của chúng ta mang tính logic, tính toán, lập kế hoạch và là chú ong bận rộn, giúp chúng ta trụ lại trong thế giới thực tế, và trong quá khứ và tương lai. Mặt khác, não phải chịu trách nhiệm đối với sự đồng cảm, trực giác, trí tưởng tượng và sự sáng tạo. Đó là nơi chúng ta thắc mắc, mơ mộng, kế nối và sống động. Bằng não phải, chúng ta sống trong không gian không-có-thời-gian, hoàn toàn sống trong phút giây hiện tại. Trong khi não trái quan tâm hơn đến các kết quả hoặc là sản phẩm, não phải quan tâm hơn về quá trình – hành trình là vấn đề quan trọng, không phải đích đến. Nhưng cần phải hiểu một điều quan trọng hơn: Não phải kết nối chúng ta với cảm giác về bản ngã (sense of being) vô tận. Bản ngã là điều cơ bản trước hết; do đó não phải phát triển trước tiên; do đó, là-người (human-being), chứ không phải làm-người (human-doing). Não trái quan tâm hơn đến hành động. Ngược lại, trẻ nhỏ có não phải phát triển hơn, là một con người hoàn toàn vui vẻ và mãn nguyện.


Khi hiểu được điều này, chúng ta có thể nhìn nhận rõ hơn vì sao việc chơi lại quan trọng đến vậy trong sự phát triển và học tập của trẻ, và vì sao chúng ta cần đặc biệt chú trọng đến số lượng và thời gian của các nội dung học dành cho trẻ; và chúng ta cần chú trọng đến sản phẩm đến mức nào – những điều mà trẻ đã đạt được ở trường – so với quá trình – trẻ trở thành người như thế nào và trẻ cảm thấy điều gì trong khi khám phá. Việc não phải phát triển trước là thông tin phù hợp dành cho những ai trong lĩnh vực giáo dục, cũng như các bậc cha mẹ, liên quan đến điều gì là phù hợp với sự phát triển. Việc thúc ép trẻ biết đọc biết viết và biết làm toán trước tuổi lên bảy có thể chỉ gây hại cho các bộ não nhỏ bé, đang phát triển. Trẻ không có khả năng sử dụng các tư duy học thuật theo cách mà người lớn đưa ra/yêu cầu, và điều này có thể khiến cho trẻ bị dán mác “học ngu”. Trẻ sẽ tin rằng bản thân không có khả năng học tập và mất đi niềm say mê tự nhiên đối với việc học. Việc hối thúc học ở trẻ là triệu chứng của một xã hội với não trái chiếm ưu thế, hoặc quên đi não phải với sân chơi tuyệt vời. Đó là dấu hiệu chỉ ra rằng chúng ta cảm thấy an toàn hơn nhiều trong sự thiếu óc tưởng tượng, kiểm soát, và chắc chắn của não trái, so với tính huyền bí và không thể định lượng mà não phải kết nối chúng ta.


Bạn không thể nào đo đếm được những khía cạnh định tính của trí tưởng tượng, sự đồng cảm và trực giác; nhưng, tất nhiên, bạn có thể đo lường được những chức năng hướng đến tính chi tiết thực dụng kể trên kết nối với não trái. Do vậy, chúng ta càng thúc ép những điều mà ta có thể đo đếm được lên trên trẻ, trẻ sẽ càng lớn lên không như mong đợi!


Hãy nhớ rằng cuộc sống ít khi liên quan đến những công cụ mà não trái mang lại và cuộc sống không phải lúc nào cũng là những gì mà chúng ta đạt được trong thế giới này. Thay vào đó, cuộc sống là hiện diện và kết nối với những người mình yêu quý, hoặc với những gì mà chúng ta thậm chí không biết, giống như trẻ vẫn là, một cách tự do.


Một người bạn của tôi viết rằng “Sáng nay khi đi đến thư viện, tôi đi trên vỉa hè, ngang qua một em bé, có lẽ 2 tuổi và mẹ của em”. “Khi tôi đi đến gần, em nhìn tôi, đôi mắt của em thật sống động, và khi tôi nói ‘Xin chào’, em cúi xuống đất và nhặt lên một chiếc lá ướt sũng nước và đưa cho tôi. Ôi, thế giới này thật đẹp và dạt dào tình cảm!”


Đây là món quà của não phải. Trong khi não trái chia tách cuộc sống thành các mảnh, thì não phải hợp nhất chúng lại. Đó là lý do vì sao các em bé không cảm thấy có sự phân biệt nào giữa mình và môi trường xung quanh. Tất cả là một!
Những người thầy nhỏ bé thông thái này nhắc nhở chúng ta, nhờ vào não phải của các em, rằng cuộc sống là tận hưởng những điều bé nhỏ, là sự say mê và ngạc nhiên; đó là việc hiện diện bên người khác, lắng nghe họ một cách dịu dàng, không chỉ nghe những gì đang được nói đến – là những điều mà sự logic nắm bắt được, mà nghe thấy những gì được ẩn chứa bên trong. Với sự trợ giúp của não phải, chúng ta chạm đến những nơi chốn ẩn náu trong trái tim của chúng ta và trong trái tim của những người khác, những khía cạnh bí mật đem đến ý nghĩa cho cuộc sống.


Não phải thực sự là sân chơi, hoặc ít nhất, não phải,kết nối chúng ta với nó. Hãy để trẻ chìm đắm trong trạng thái tự nhiên nhất này thông qua việc chơi phi cấu trúc (unstructured play), và tất cả những thứ phái sinh của chúng như là những bức vẽ nguệch ngoạc, sự tò mò, thắc mắc và tưởng tượng. Những người có não phải phát triển lành mạnh có thể sử dụng tốt hơn các công cụ của não trái theo cách tích cực. Đó là mục đích của bộ não trái – logic: để phục vụ cho não phải – hành động phục vụ cho bản ngã. Bản ngã là mặt đất mà từ đó mọi kế hoạch, chi tiết và hành động của chúng ta nở hoa nếu chúng ta cảm nhận sự mãn nguyện cá nhân và thực sự cống hiến cho thế giới.


“Tư duy trực giác là một món quà thiêng liêng và tư duy duy lý là người đầy tớ trung thành. Chúng ta đã tạo ra một xã hội tôn vinh người đầy tớ và lãng quên mất món quà.” ~ Albert Einstein


Bản gốc - nguồn: https://www.vincegowmon.com/the-right-brain-develops-first/